Skip to main content

Chuyện Học Ở Bách Khoa

Hôm nay nhân dịp hoàn thành tuần học đầu tiên sau Tết của kỳ 20162 - một kỳ học dự kiến ngập hành, rảnh rỗi viết vài thứ mà mình nghĩ là có ích cho anh em. Nói là chia sẻ kinh nghiệm học hành thì hơi quá, vì mình vẫn đang còn ngập mùi hành lắm, chỉ đơn giản là những thứ mình đã trải qua mà mình nghĩ rằng, nếu nói ra sẽ giúp được ai đó khoá sau, những người cũng đang cảm thấy bơ vơ như mình ngày xưa.

Hồi mới vào trường, điều mình mong mỏi nhất là tìm được một người anh hơn tuổi một chút, để anh em dễ trao đổi, người mà có kinh nghiệm trong học tập và cuộc sống để học hỏi.
Những chuyện dưới đây là mình trải qua và thấy phù hợp với mình, có thể người khác đọc thì thấy không hợp, thế nên tuỳ theo người đọc thấy việc gì hợp thì làm theo, còn không thì coi như chuyện vui lúc trà dư hậu tửu vậy.




.



1. Chuyện học
Học ở Bách Khoa để lấy điểm cao thì cũng có nhiều người làm được, nhưng để mà thực sự giỏi, hiểu được kiến thức và áp dụng thuần thục vào thực tế trong lĩnh vực mà mình học thì lại ít người lắm. Đa phần là những thằng ất ơ như mình bây giờ, đó là học mà không hiểu mình học cái gì.
Về chuyện thi cử, để mà thi được điểm cao thì điều kiện cần là đi học đầy đủ, ghi chép bài đầy đủ, sau đó đến giữa kỳ hoặc cuối kỳ thì lên kế hoạch ôn thi chi tiết trước ngày thi môn đầu tiên ít nhất 3 tuần (ngay khi biết lịch thi ấy). Nếu đã trót nghỉ học buổi nào thì tốt nhất là nên mượn vở bạn để chép lại và đọc lại một lần nữa trong sách cho đến khi hiểu. Thường thì mình sẽ dành 2, 3 ngày để tập trung ôn 1 môn, sau đó chuyển môn khác, đến trước ngày thi môn nào thì lại dành thời gian 1 ngày để đọc lại và tổng hợp kiến thức môn ấy. Ví dụ thứ 2, thứ 3 ôn Giải tích 1, thứ 4, thứ 5 ôn Đại Số. Nhưng bạn phải căn thời gian sao cho đến ngày thi bạn đã đọc qua được tất cả các chương, không bỏ phần nào. Thực ra với mấy môn đại cương năm nhất thì cách học rất đơn giản, đó là làm thật nhiều bài tập, yên tâm là riêng bài tập trong sách với đề thi các năm bạn có làm cả kỳ cũng không hết. Bài nào khó quá không làm được thì hỏi bạn gợi ý, không được nữa thì xem giải, nhưng phải đảm bảo là bạn hiểu sách giải viết cái gì và có thể áp dụng cách đó cho những bài sau này. Làm càng nhiều dạng bài tập ở nhà thì bạn sẽ càng đỡ tốn thời gian suy nghĩ trong phòng thi.
Nhưng điểm yếu nhất của sinh viên lại là Kỷ luật bản thân, kiểu như ôn được 30 phút là lại chán, bỏ sang chơi game, hoặc chỉ hào hứng ôn thi được 2, 3 ngày đầu. Chính vì thế, bạn phải tìm người trợ giúp, kiểu như 2 thằng ôn thi cùng nhau (nhớ là chỉ 2 người, bắt đầu từ 3 trở lên là thành cái chợ ngay), rồi nếu ngày hôm nay học xong thì thưởng cái gì, không xong thì phạt cái gì. Nhớ là phải nghiêm khắc với chính bản thân mình. Còn nếu bạn không tìm được người thì vẫn áp dụng chính sách thưởng phạt như trên, nhưng cần một ý chí rất lớn.


2. Chuyện bên ngoài
Như mình đã nói thì năm nhất là thời gian rảnh nhất, thế nên nếu muốn tham gia làm gì thì làm ngay đi. Nhưng tốt nhất là nên bắt đầu từ kỳ 2, khi mà bạn đã quen hơn một chút với môi trường Bách Khoa và Hà Nội (để mà đỡ bị lừa). Có 2 cách để bạn phát triển bản thân mình: tham gia tình nguyện hoặc đi làm thêm.
Ở Bách Khoa thì có nhiều đội tình nguyện, có rất nhiều cơ hội cho bạn tham gia. Ở môi trường này, bạn có thể sẽ hoà nhập nhanh hơn và học hỏi được rất nhiều kỹ năng. Đến bây giờ, khi đã nghỉ tham gia tình nguyện được 2 năm, mình vẫn cảm thấy rằng 2 năm ở VIT là 2 năm ý nghĩa nhất đời sinh viên cho đến bây giờ.
Còn đi làm thêm, việc đơn giản mà kiếm lương cao nhất với sinh viên có lẽ là gia sư, nên đi ngay từ năm nhất vì hồi đó bạn chưa quên kiến thức. Ngoài ra, nếu muốn trải nghiệm thì có rất nhiều việc khác như bán hàng, phục vụ quán cafe, xe ôm Grab hoặc shipper... Đừng có nhảy vào đa cấp là được :3
Riêng đối với những ai học bên ngành CNTT thì mình khuyên là xin vào các công ty đi thực tập càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là đi từ giữa năm 3 luôn. Đi thực tập bạn sẽ học được rất nhiều thứ, những thứ mà trường đại học không dạy cho bạn. Thế nên đừng quan trọng đi thực tập có được trả lương hay không, mà quan trọng là nó sẽ giúp bạn học được những gì.





3. Chuyện học tiếng Anh
Học tiếng Anh thực sự rất quan trọng, ai cũng nói thế cơ mà lười vẫn hoàn lười, rất ít người có thể bắt đầu được. Mình may mắn được học với anh Quốc Anh, một người anh rất tâm huyết với sinh viên Bách Khoa. Người mà 30/4 vẫn dạy, Trung thu vẫn dạy, ngày kỷ niệm 60 năm thành lập trường 15/10 vẫn dạy 13 tiếng một ngày. Nhớ hồi đó vừa mệt nhưng lại vừa vui. Mục tiêu của mình hồi đó là qua TOEIC nên chắc cũng không chia sẻ với các bạn được nhiều.


4. Chuyện thói quen
Thói quen tốt là rất quan trọng. Mình nghĩ Bách Khoa là một trong số ít các trường có môi trường lý tưởng để sinh viên được rèn luyện thể dục thể thao. Nào là sân bóng thì hoành tráng, có phòng tập gym, có bãi xà, có sân bóng rổ, trường lại nằm ngay cạnh cái công viên Thống Nhất to đùng nữa, tha hồ mà chạy bộ. Thế nên, buổi chiều, thay vì chơi game thì tốt nhất bạn nên tìm cho mình một môn thể thao nào đó để rèn luyện sức khoẻ. Đừng viện dẫn lý do bận việc nữa, chắc bạn không bận bằng Mark Zuckerberg đâu (Năm vừa rồi anh ấy vừa chạy bộ tổng cộng 600km) :))) À, mình thường chạy bộ ở Công viên Thống Nhất lúc 5h chiều nhé, nếu bạn nào thích thì có thể chạy cùng, biết đâu một ngày lại gặp nhau :D
Thói quen tốt nữa là đọc sách, không chỉ sách chuyên ngành mà sách về kỹ năng sống. Mình nghĩ bạn nên tìm mấy quyển "Cafe cùng Tony", "Trên đường băng" (cả 2 của Tony Buổi Sáng), "Đắc nhân tâm", "Quảng gánh lo đi và vui sống",...v...v..... Riêng 2 quyển của Tony Buổi Sáng, bạn nên đọc đi đọc lại nhiều lần và để nó trở thành sách gối đầu giường của mình nhé.
Một thói quen mà bạn nên có, đó là viết To-do-list. Đầu mỗi năm hoặc mỗi kỳ, bạn cần xác định xem mục tiêu của mình trong năm này, trong kỳ này là gì. Mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc mỗi sáng thức dậy, bận cần viết ra xem hôm nay mình cần làm những gì, những việc gì là quan trọng nhất. Một thói quen nhỏ nhưng có tác động rất lớn đấy nhé.


5. Chuyện game
Như mình đã nói rồi, 10 thằng chơi LOL thì 9 thằng nát, có nghĩa là vẫn còn "1 thằng còn lại" vừa chơi vừa học giỏi. Ví dụ điển hình cho "1 thằng còn lại" đó là ông anh K56 của mình, người đi làm từ năm 2, được thăng cấp và trở thành Manager trẻ nhất của BKAV, và vẫn ra trường với bằng Giỏi hay Xuất Sắc gì đấy (Nếu ai học bên CNTT chắc sẽ biết vừa làm BKAV vừa học nó vất như thế nào). Nếu bạn chơi LOL mà bạn vẫn học giỏi được hoặc kiếm ra tiền như mấy thánh bên Hàn Quốc (à mà đây là Việt Nam chứ méo phải Hàn Quốc) thì mình không dám nói. Nhưng mà những THÁNH như thế thì ÍT HIẾM lắm các bạn à. Còn nếu chơi LOL mà làm cho bạn học kém thì BỎ NGAY ĐI.


Vài lời dông dài, hy vọng các bạn sẽ áp dụng được điều gì đó vào bản thân mình.
Chào thân ái và quyết thắng!

Comments

Popular posts from this blog

Những vần thơ hay về Bách Khoa

Có một ngôi trường đã hơn 60 năm tuổi, sinh viên đa phần là con trai ngành kỹ thuật, tưởng chừng như sẽ toàn những tâm hồn khô khan. Thế mà lạ thay, luôn có những vần thơ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứa đựng trong đó là đầy tâm tư của những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi.

Sự tích Chim Anh Vũ và Củ Sắn Lùi

Tình hình là nhiều bạn thắc mắc tại sao gọi là "Chim Anh Vũ" và "Củ Sắn Lùi", cho nên mình đành phải thuật lại cho các bạn sự tích của hai đồng c hí này.

Chuyện Bán Hàng: Niềm tin của người lạ

Thời sinh viên, tôi có làm một vài nghề, mục đích thì kiếm tiền là phụ, chủ yếu để cho mình "khôn hơn". Một trong số đó, không thể không nhắc đến Bán hàng, nghĩa là tôi tự nhập hàng về và bán lẻ. Thời năm 2016, 2017, nếu ai còn nhớ thì sẽ biết đến cái micro Karaoke hot thời đó. Nó vừa là mic, vừa là loa, chỉ cần kết nối Bluetooth với điện thoại và người dùng tha hồ hát. 1. Vị khách đầu tiên mua của tôi 2 chiếc mic, mỗi tội gọi điện đặt mua đúng lúc tôi đang về quê. Khách hỏi ship ngay được không, thế là tôi lại lóc cóc gọi điện nhờ thằng bạn cùng phòng ship hộ, với hoa hồng chia cho nó là 30.000. Nếu chuyện mua bán ổn thoả ở đó thì chẳng có câu chuyện này để kể. Vấn đề là đơn hàng đầu tiên của tôi thiếu mất sợi dây sạc cho 1 trong 2 chiếc mic, khách gọi thắc mắc. Thế nên tôi hứa hôm sau ra Hà Nội sẽ mang bổ sung. Lần này, tôi tự đi sang, mang theo cả 2 hộp mic mới, đề phòng khách có không ưng ý cái cũ thì đổi cho ngay. Đến nơi, gặp khách đang ngồi trà đá với cậu con trai ở m