Skip to main content

Chiến tranh Nam - Bắc triều: Tóm tắt bởi Phạm Vĩnh Lộc

Thời thê thảm nhất của dân tộc ta không phải là thời bị ngoại xâm, vì giặc nào cũng chỉ một giai đoạn ngắn ngủi là bị nhân dân Đại Việt cho ăn hành no nê, phải cút thẳng về nước. Mình thấy người Việt rất lạ! Bình thường giành ăn, ghen ghét nhau nhưng lúc tổ quốc lâm nguy thì đoàn kết lạ lùng.

Cho nên mới nói thê thảm nhất phải là lúc người trong nước đánh nhau liên miên không dứt. Nhưng không phải thời Trịnh - Nguyễn. Thời này thì nhờ ông Đào Duy Từ dựng thành lũy chia đôi đất nước nên có đánh nhau thì chỉ quanh quẩn ở gần sông Gianh, không tràn lan toàn quốc.

Thê thảm nhất chính lại là thời Lê Mạc phân tranh kéo dài đến 60 năm, hay còn gọi là Nam Bắc triều. Nói chung triều đại nào cũng vậy, càng về sau càng yếu dần. Triều đại của Lê Lợi sáng lập cũng không ngoài quy luật đó. Tới lúc dặt dẹo quá thì bị một võ tướng tên là Mạc Đăng Dung lật đổ, chiếm lấy Thăng Long - Hà Nội. Mạc Đăng Dung ép mẹ con nhà vua phải tự tử. Thái hậu khấn trời rằng: "Đăng Dung là kẻ bề tôi, manh tâm cướp ngôi, lại giết mẹ con ta, ngày sau con cháu nó cũng lại bị như thế."


Lúc bấy giờ tướng Nguyễn Kim (ông tổ của hoàng đế Gia Long Nguyễn Ánh) không phục hành động của Mạc Đăng Dung, ông mới tìm một người thuộc hoàng tộc để đưa lên ngôi vua. Vị vua mới này lên ngôi tại đất Lào, sau trở về Việt Nam để phục hưng cho gia tộc, và thế là chiến tranh Lê - Mạc bắt đầu.

Nhà Mạc nắm giữ toàn bộ miền bắc nên gọi là Bắc triều. Nhà Lê nắm giữ từ Thanh Hóa trở vào nam nên gọi là Nam triều. Lực lượng của Bắc triều có 12 vạn người và tổ chức khá chặt chẽ. Nam triều tuy sở hữu đất đai hẹp hơn nhưng quân đội thường trực cũng thường xuyên có 6 vạn người.

Việt Nam bấy giờ tồn tại hai thủ đô. Thăng Long nghìn năm văn hiến đã quá nổi tiếng, nơi hoàng tộc triều Mạc ngự trị. Cái kia là Vạn Lại, một kiểu thủ đô tạm bợ dã chiến của triều Lê trong thời gian bị tống cổ khỏi Thăng Long. Nói là tạm bợ nhưng Vạn Lại cũng có khá đầy đủ những gì cần có của một vương triều. Hào kiệt, danh sĩ tứ phương tìm về Vạn Lại. Ai ai cũng đồng lòng góp sức. Một triều đình có đầy đủ văn quan, võ tướng uy nghi được thiết lập. Từ đây, nhiều sắc phong, lệnh chỉ được ban ra khắp nơi. Các sĩ tử cũng tìm về hành điện Vạn Lại để kiếm đường tiến thân. Các kỳ thi Hội, thi Đình được mở ra tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Chính nơi đây đã trở thành một trong ba địa điểm thi tuyển tiến sĩ cho cả nước: Thăng Long, Vạn Lại và Phú Xuân.

Cả Nam triều lẫn Bắc triều đều có vấn đề khó nói của họ:

Bắc triều sau vua Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh thì những vua sau toàn con nít. Các đại thần vì chuyện phế lập mà đánh nhau ra trò. Thậm chí có nhiều VIP vì sợ bị hại hoặc vì chán nản đã bỏ về theo Nam triều. May mắn là khi ấy có Khiêm Vương Mạc Kính Điển gánh hết nên nhà Mạc mới đứng vững nổi. Ngay cả Đại Việt sử ký toàn thư vốn có thù với nhà Mạc mà cũng phải dùng tất cả những mỹ từ cao đẹp nhất để nói về Mạc Kính Điển.

Nam triều ban đầu cơ cấu như thế này, vua Lê được hai dòng họ quý tộc Trịnh và Nguyễn phò tá để giành lại ngai vàng với nhà Mạc. Lúc này Trịnh và Nguyễn chưa phân tranh, vẫn cùng một team. Chỉ sau khi thích khách nhà Mạc ám sát lãnh tụ Nguyễn Kim thì mới to chuyện. Nguyễn Kim trao lại quyền lực cho con rể Trịnh Kiểm trước khi chết, nhưng Kiểm muốn giết hai thằng con ông Kim để độc bá võ lâm. Một người may mắn chạy về được phương nam và tạo nền móng cho xứ Đàng Trong, nguyên nhân của Trịnh Nguyễn phân tranh về sau.

Sau khi Trịnh Kiểm qua đời thì hai đứa con của ông ta là Trịnh Cối và Trịnh Tùng giành giật nhau xem ai là lãnh đạo của Nam triều. Cối là anh cả nhưng hay nhậu nhẹt say xỉn, tới hồi Mạc Kính Điển kéo quân đến phang cho tơi bời thì vội đầu hàng. Số phận Nam triều giờ đây đặt hết lên vai cậu con thứ. Trịnh Tùng quê ở làng Sáo Sơn, lại đóng quân gần Lam Sơn, vua Lê cho làm tiên phong đánh Mạc. Cho nên sử gọi là Sơn Tùng Mạc Tiên Phong. Toàn quân nhà Lê được lấy từ ba phủ của Thanh Hoá và Nghệ An được đặt trực tiếp dưới quyền của sếp. Họ là lính của thiên tử nên được xem là thiên binh (The Sky Army). Sơn Tùng M-tp lãnh đạo đội quân Sky phò tá vua Lê, tạo hoá cũng thật khéo sắp đặt.

-Tùng núi, cha cậu giờ đã chết, anh cậu cũng theo Mạc triều. Sao cậu còn cố chấp làm gì?

-Khiêm vương Mạc Kính Điển, ta là thần tử nhà Lê, không bao giờ theo nguỵ triều. Dù ông có là kỳ phùng địch thủ của cha ta, nhưng hổ phụ sinh hổ tử, ta không đầu hàng!

Mạc Kính Điển vuốt râu cười. Tiểu tử này khẩu khí ghê gớm, quả thật không phải dạng vừa đâu. Rồi ông hô:

-Ai bắt sống được Trịnh Tùng ta trọng thưởng.

-CÓ MẠT TƯỚNG!

Rồi từ trong trung quân nhà Mạc một bóng đen cao lớn vọt ra giữa trận tiền. Vị tướng quân này râu ria xồm xoàm, nhãn thần như điện, tay cầm đại kích, uy vũ như sấm sét, sát khí toả ra ngùn ngụt khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng muốn thoái lui ngay tại đương trường. Bên nhà Lê nhiều binh sĩ nhận ra, xôn xao cả một vùng, trên mặt ai cũng không giấu được nỗi lo lắng.

-Nguyễn Quyện đấy.

-Chiến thần Nguyễn Quyện!

Ngay cả Trịnh Tùng cũng rất ngạc nhiên khi chính sếp cũng không ngờ Nguyễn Quyện vô địch lại có mặt tại đây. Danh tướng số một Bắc triều không nói không rằng thúc ngựa lao thẳng về phía Trịnh Tùng.

-To gan!

Hoàng Đình Ái của Nam triều phi ra hộ vệ chủ tướng. Nguyễn Quyện cười khẩy rồi đâm mạnh kích vào mặt Đình Ái, Ái đưa đại đao ra gạt. Hai tướng đánh với nhau 50 hiệp không phân hơn thua, hai ngựa chiến quần thảo lồng lộn, bụi bay mù trời xứ Thanh. Trịnh Tùng ngẩn ngơ đứng xem màn ác đấu, quên cả nguy hiểm. Bất ngờ Mạc Kính Điển cầm cờ lệnh phất nhẹ một cái, quân Bắc triều tràn lên tấn công. Trịnh Tùng bừng tỉnh:

-Cung thủ giữ vị trí, bộ binh dàn chữ nhất!

Bỗng có tiếng huyên náo, thì ra một đạo quân của Mạc Ngọc Liễn đã lén đi vòng ra sau tập kích. Quân Nam triều trước mặt và sau lưng đều bị tấn công, không còn theo hàng ngũ gì cả, đạp lên nhau mà chạy. Trịnh Tùng thua đau, quay ngựa đào tẩu. Mạc Kính Điển nói:

-Nguyễn Quyện, Ngọc Liễn, bắt sống chứ đừng giết!

Nguyễn Quyện gật đầu, lên gân bạt mạnh một đường kích đẩy Hoàng Đình Ái dạt ra, rồi xông lên quyết tóm cổ Trịnh Tùng. Tùng cưỡi ngựa trắng nên rất dễ thấy dù chiến trường đang vô cùng hỗn loạn. Quyện rướn người, cố dùng ngạnh kích móc áo Tùng để vật xuống nhưng quá tầm, chỉ trúng chiếc mũ. Mái tóc dài của Tùng xổ tung ra bay phấp phới. Quyện thúc ngựa chạy song song, vươn tay cố chụp lấy. May thay Nguyễn Hữu Liêu đúng lúc đó cầm đoản đao chặt xuống, nếu Quyện không kịp thu tay lại đã thành Dương Quá rồi.

-Chúa công chạy hướng này.

Nguyễn Hữu Liêu hộ tống Trịnh Tùng, lại thêm Hoàng Đình Ái đuổi theo. Hai đánh một không chột cũng què, Nguyễn Quyện đành rẽ sang đường khác về lại quân Mạc. Sau trận ấy Trịnh Tùng cố thủ, sai Lê Cập Đệ dùng bùn và tre để xây thành giả. Mạc Kính Điển thấy chỉ có một đêm mà thành đã xây xong thì vô cùng kinh ngạc, vội ra lệnh đánh gấp. Tuy nhiên sếp Tùng tử thủ quá lì lợm. Đánh mãi không thắng được nên Bắc triều rút quân trước khi mùa đông lạnh lẽo tràn về.

-Nhà vua muốn giết ta?

Trịnh Tùng phát giác âm mưu trừ khử mình nên ra tay giết vua Lê Anh Tông, rồi lập đứa con lên thay. Quân Mạc nhiều lần kéo đến đánh nhưng nhờ cái đầu lạnh nên dù chịu rất nhiều áp lực, sếp Tùng vẫn cân được hết. Một mình Trịnh Tùng phải đối phó với quá nhiều thế lực:

-Quân Mạc ở phía bắc.
-Tiên chúa Nguyễn Hoàng ngầm chống đối ở phía nam.
-Nội bộ nhà Lê.

Sống giữa một môi trường như vậy, nếu không tàn nhẫn, đôi khi độc ác thì anh không thể tồn tại được. Thậm chí cái ngày nhà bị cháy, mẹ chết, mà Tùng vẫn chỉ lén gạt lệ không cho quân sĩ biết, và ra trận như bình thường. Một người đàn ông lạnh lùng và sắt đá hiếm có, ngay cả Nguyễn Huệ khi vợ chết mà còn gào khóc vật vã mấy hôm liền.

Rồi cũng đến ngày Mạc Kính Điển già yếu qua đời. Thiếu ông nhà Mạc như mất đi cột trụ vĩ đại nhất. Trịnh Tùng thấy thời cơ giành lại Thăng Long đã tới, bèn chia quân làm 5 đạo, đó là mùa đông năm 1592. Tiết trời giá lạnh của miền bắc Việt Nam cũng không giảm nhiệt tinh thần của các Sky.

-Đoàn quân nhà Lê đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa!

Đến địa phận xã Phấn Thượng, Trịnh Tùng và vua Mạc Mậu Hợp đối đầu với nhau. Hai bên bay vào xáp lá cà. Nhưng Mạc Mậu Hợp thì kinh nghiệm chiến trường sao bá đạo được như sếp Tùng. Quân Mạc vỡ vụn, bị chém chết rất nhiều, khí giới và chiến mã rơi vào tay quân Lê vô số kể. Trịnh Tùng đi đến đâu san bằng tất cả thành bình địa đến đó. Nguyễn Hữu Liêu phóng hoả, một góc kinh đô Thăng Long bốc cháy ngùn ngụt. Mạc Mậu Hợp cắm đầu bỏ chạy.

-Thưa chúa công, đã bắt được Nguyễn Quyện.

-Dẫn ra đây gặp ta.

Trịnh Tùng ngồi ghế, cao ngạo nhìn xuống vị chiến thần thất thế với khuôn mặt đáng thương. Tùng cười:

-Ông còn nhớ ngày xưa chứ?

Rồi Tùng đứng dậy đến tự tay cởi trói cho vị danh tướng, đồng thời ban lời chiêu dụ. Nguyễn Quyện thở dài:

-Nếu trời đã bỏ nhà Mạc thì người anh hùng cũng khó ra sức.

Tuy vậy Nguyễn Quyện vẫn đau đáu về Mạc triều, ông bày cho Trịnh Tùng:

-Phá sạch tường thành và chiến luỹ trong Thăng Long là điều cần làm lúc này.

Trịnh Tùng không mảy may nghi ngờ, liền sai quân làm theo. Thực ra Nguyễn Quyện muốn trong lúc các Sky đang bận rộn đập phá sẽ mua được chút thời gian cho nhà Mạc tổ chức quân đội lại phản công. Trịnh Tùng tuy thắng trận nhưng vẫn lo chưa đủ mạnh để giữ Thăng Long nên rút quân trở về Thanh Hoá.

-Chúng nó đi hết rồi, hên quá.

Mạc Mậu Hợp quay lại kinh thành, nhưng thay vì tận dụng chút thời gian quý báu Nguyễn Quyện mua cho để tập hợp quân đội, mà chủ quan khinh suất. Và chuyện gì đến cũng sẽ đến, sếp Tùng quay lại.

-Tiến về Hà Nội, ta quét sạch giặc thù
Hướng về đồng bằng, ta tiến về thành đô
Nước nhà còn chờ trận cuối là trận này
Tiếng về đồng bằng, giải phóng thành đô!

Các Sky hát vang trời dậy đất và ào ạt xông lên. Nhờ vào sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt, cùng đường lối chính trị vững vàng của sếp Tùng, Mạc Ngọc Liễn dù có ba đầu sáu tay cũng không thể đỡ được. Kinh thành thất thủ hoàn toàn, Mạc Mậu Hợp bỏ trốn. Trịnh Tùng bèn cho Sky lùng bắt và biết được địa điểm. Lúc đó Mạc Mậu Hợp đang nghiễm nhiên ngồi thiền trong chùa. Sky hỏi thăm thì Hợp lúng túng:

-Bần tăng tu hành từ hồi còn trẻ tuổi ở am mây này. Chén muối, đĩa rau hàng ngày trai dưỡng. Thắp hương thờ phật, công đức chuyên làm.

Quân Sky thấy nhà sư nói hoạt bát khiêm tốn, biết là Mậu Hợp, bèn bắt giữ. Ông tự liệu không thể thoát được, bèn thú thực và nói rằng:

-Mấy ngày trước tôi chạy trốn ẩn núp trong rừng rậm đã quá đói khát, dám xin cho một bình rượu uống cho đã.

Sky bèn cho bình rượu. Sau khi Mậu Hợp uống thỏa thích, ngậm ngùi than rằng:

-Nghiệp chướng quá sâu! Nay cầu làm một người dân thường cũng không thể được. Tội lỗi chỉ vì tổ tiên đã giết vua cướp ngôi, đến nỗi con cháu ngày nay phải mắc tội nặng như vầy. Mong tướng sĩ dẫn tôi đến trước Lê hoàng đế để bày tỏ thực tình. Đó là điều lòng tôi rất mong muốn.

Sky bèn sai dùng voi chở Mậu Hợp giải về Thăng Long. Khi ông tới trước hành doanh, Trịnh Tùng sai dàn binh mã cực kỳ uy nghiêm, rồi mới cho dẫn Mậu Hợp vào yết kiến. Mậu Hợp dập đầu phủ phục ở ngoài sân. Trịnh Tùng truyền hỏi tới 3 lần, Mậu Hợp vì quá sợ, cứ ấm ớ không thể đáp được, Sếp bèn sai dẫn ra ngoài cửa quân, giam tù tại đây.

Tất cả các quan văn võ của Nam triều đều bàn:

-Chiếu theo luật pháp thì cướp ngôi phải xử lăng trì và dâng đầu để tế tiên vương.

Trịnh Tùng thấy Mạc Mậu Hợp về hàng, không nỡ sử dụng cực hình, bèn nói:

-Treo hắn lên 3 ngày rồi đem ra bãi cát Bồ Đề chém đầu.

Mậu Hợp chết, thủ cấp dâng lên vua Lê tại hành cung Vạn Lại, đem đóng đinh vào 2 con mắt, rồi bêu ra ngoài chợ. Sử ký toàn thư viết thế, nhưng có lẽ Mậu Hợp đã trốn thoát.

Thế là chiến tranh Lê - Mạc kết thúc. Cuộc chiến này cực kỳ tàn khốc, đặc biệt là giai đoạn 1545-1580, hai bên lúc thắng lúc thua, tranh nhau từ Ninh Bình đến Nghệ An. Dài hơn cả chiến tranh Việt Nam và đô hộ của nhà Minh cộng lại. Đất đai bị giằng qua giật lại, dân bị cả hai bên cướp giết hiếp khổ không tả xiết. Hoàn toàn không có chính nghĩa hay niềm tin gì ở đây cả.

Trong 60 năm chiến tranh giữa Lê và Mạc đã diễn ra 38 trận lớn nhỏ, cả hai bên đều huy động gần hết các lực lượng lao động chính trong xã hội vào cuộc chiến cùng những nhân tài, vật lực trong tay. Cuộc chiến đã tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân toàn quốc. Sức mạnh Đại Việt trên bản đồ thế giới bị suy yếu nghiêm trọng vì dân trong nước làm ra bao nhiêu của cải đều đổ hết vào việc chém giết lẫn nhau. Chỉ có thằng Tàu khựa là ngồi rung đùi quan sát và... sướng.

"Hậu vương xem đó giữ non sông,
Chớ để ngai vàng phải lở long.
Gan óc sinh linh đầy đất loạn,
Lửa thiêu tàn núi, máu loang đồng."

Vua Lê trở về cố đô trong tiếng nhã nhạc thanh bình. Nhà Mạc theo lời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm lánh lên Cao Bằng xây dựng một vương quốc nhỏ ở đó thêm 80 năm nữa. Mạc Ngọc Liễn trước khi mất đã có câu nói bất hủ:

-Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Dân ta là người vô tội mà khiến để phải mắc nạn binh đao, ai nỡ lòng nào! Chúng ta nên lánh ra ở nước khác, nuôi dưỡng uy lực, chịu khuất đợi thời, chờ khi nào mệnh trời trở lại mới làm được, chứ không thể lấy lực chọi với lực. Khi hai con hổ tranh nhau, tất phải có một con bị thương, không có ích gì cho công việc. Nếu thấy quân họ đến đây thì chúng ta nên tránh đi, chớ có đánh nhau với họ, cốt phòng thủ cẩn thận là chính; lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng.

Một triều đại cao thượng và quân tử. Đời sống ấm no, trộm cướp vắng bóng, vốn đã có thể biến Việt Nam hoá rồng sớm hơn Nhật 200 năm, nay bị tiêu diệt chẳng còn gì. Âu cũng là điều đáng tiếc.

Trịnh Tùng công lao cực lớn nên vua phong Bình An vương, được phép cho xây phủ chúa, khởi đầu ở phố Khâm Thiên, gần Ô Chợ Dừa và con đường đắt nhất thế giới Xã Đàn bây giờ. Sau đó quy mô ngày càng mở rộng, lấn qua cả Vincom Bà Triệu, phở Thìn, kem Thuỷ Tạ... Phủ chúa được toàn quyền đặt quan, thu thuế, bắt lính. Cả trời Nam sang nhất là đây. Mình đã viết chi tiết trong một bài khác.

Tiếng tăm của Trịnh Tùng còn vang đến đất Trung Quốc, khiến hoàng đế nhà Minh phải khen là Chân anh hùng. Thế nhưng quyền át cả vua là điều không nên, và Lê Kính Tông tìm cách ám sát sếp.

Bình thường Trịnh Tùng cưỡi voi. Hôm ấy, sếp thấy trong lòng không yên, cho voi ngựa và thị vệ đi trước, còn tự mình ngồi kiệu đi sau. Đến chỗ ngã ba có tiếng súng nổ, bắn gãy cây lọng tía. Sếp giật mình sai truy bắt thích khách đem về phủ tra hỏi. Hắn khai là nhà vua và con trai sếp Trịnh Xuân sai làm.

-À, thằng vua mất dạy và thằng con bất hiếu dám âm mưu hãm hại ta.

Rồi sếp nói:

-Thời kỳ họ Mạc nhà vua đã không còn thiên hạ. Cha tôi thân khởi nghĩa binh, đón tiên đế từ trong hang núi trở về sáng lập triều đình. Tôi tôn phò 3 triều, thân trải trăm trận đánh, thu phục giang sơn, tổn phí bao tâm lực, tuổi đã 70. Nay nhà vua nghe đứa con phản nghịch, nhẫn tâm làm việc này.

Cả triều đình nhao nhao lên cho rằng vua là hôn quân, và Lê Kính Tông bị xử tử bằng cách thắt cổ. Kỷ lục Việt Nam đến lúc này chính thức xác nhận rằng sếp là người giết nhiều vua nhất lịch sử, triple kill 3 ông. Good job sếp Tùng.

Nhưng sếp cũng là người, không thoát khỏi sinh lão bệnh tử. Vấn đề đau lòng nhất của sếp là các con trai đánh nhau dữ dội để tranh quyền làm chúa. Trong lúc chạy loạn, sếp Tùng bị thuộc hạ bỏ lại trên kiệu giữa đường. Thân mang bệnh nặng, sếp không thể làm gì khác, hơi thở nặng nề, cảnh vật mờ dần trước mắt. Tào Tháo của Việt Nam, gian hùng vĩ đại nhất đã qua đời cô đơn như vậy đó.

Nhưng 400 năm sau sếp lại trỗi dậy một lần nữa, và đó là một câu chuyện khác.

-----

Nguồn: Phạm Vĩnh Lộc

Comments

Popular posts from this blog

Những vần thơ hay về Bách Khoa

Có một ngôi trường đã hơn 60 năm tuổi, sinh viên đa phần là con trai ngành kỹ thuật, tưởng chừng như sẽ toàn những tâm hồn khô khan. Thế mà lạ thay, luôn có những vần thơ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứa đựng trong đó là đầy tâm tư của những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi.

Sự tích Chim Anh Vũ và Củ Sắn Lùi

Tình hình là nhiều bạn thắc mắc tại sao gọi là "Chim Anh Vũ" và "Củ Sắn Lùi", cho nên mình đành phải thuật lại cho các bạn sự tích của hai đồng c hí này.

Chuyện Bán Hàng: Niềm tin của người lạ

Thời sinh viên, tôi có làm một vài nghề, mục đích thì kiếm tiền là phụ, chủ yếu để cho mình "khôn hơn". Một trong số đó, không thể không nhắc đến Bán hàng, nghĩa là tôi tự nhập hàng về và bán lẻ. Thời năm 2016, 2017, nếu ai còn nhớ thì sẽ biết đến cái micro Karaoke hot thời đó. Nó vừa là mic, vừa là loa, chỉ cần kết nối Bluetooth với điện thoại và người dùng tha hồ hát. 1. Vị khách đầu tiên mua của tôi 2 chiếc mic, mỗi tội gọi điện đặt mua đúng lúc tôi đang về quê. Khách hỏi ship ngay được không, thế là tôi lại lóc cóc gọi điện nhờ thằng bạn cùng phòng ship hộ, với hoa hồng chia cho nó là 30.000. Nếu chuyện mua bán ổn thoả ở đó thì chẳng có câu chuyện này để kể. Vấn đề là đơn hàng đầu tiên của tôi thiếu mất sợi dây sạc cho 1 trong 2 chiếc mic, khách gọi thắc mắc. Thế nên tôi hứa hôm sau ra Hà Nội sẽ mang bổ sung. Lần này, tôi tự đi sang, mang theo cả 2 hộp mic mới, đề phòng khách có không ưng ý cái cũ thì đổi cho ngay. Đến nơi, gặp khách đang ngồi trà đá với cậu con trai ở m