Skip to main content

Tớ Là Sinh Viên Bách Khoa

Nhân ngày Hà Nội mưa gió, Bách Khoa cũng sắp tròn 60 năm tuổi, ngồi đọc lại bài viết được truyền từ một tiền bối K5x của Bách Khoa. Ngẫm thì mọi sự nó vẫn thế, có mỗi cái là giờ suất cơm nó thành 20k/suất rồi :'(
-------------


Gửi Cậu! Cô gái làm tớ đảo điên.
Cậu từ chối tớ mấy lần rồi ấy nhỉ? Chẹp, vào đề hỏi câu ngu thật. Câu hỏi thì chẳng liên quan gì đến đầu đề “Tớ là sinh viên Bách Khoa” nhưng đúng là cụm từ đơn giản “Sinh viên Bách Khoa” có thể nói nên rất nhiều điều mà chưa hẳn cậu đã biết hết. Trước khi từ chối tớ thêm lần nữa, có lẽ cậu nên đọc qua.


“Sinh Viên Bách Khoa nói chung là nghèo”
1. Chuyện ăn
Có thực mới vực được đạo, đặc biệt với “đội quân năm 1945″ đông đảo ở đây. Quán ăn tại Bách Khoa nhiều như mộc nhĩ sau cơn mưa: cơm, cháo, bún đậu, bánh mì, phở… Cơm Bách Khoa rẻ nổi tiếng Hà Nội, có quán rẻ và có quán siêu rẻ. Bình thường thì nam 12k nữ 10k, ở đây việc ăn uống đơn giản là lấp đầy cái dạ dày đang réo rắt. Chất lượng thì tỷ lệ với giá tiền, cậu đừng bất ngờ nếu thấy cải để cả cây, hay thịt mỡ bơi lội trong đống bì. Dù sao ăn cơm cũng tốt hơn là bữa tối với nửa cái bánh mì. Đầy bụng là tối lại có thể đăng đèn cày đêm.



Chế độ dinh dưỡng vậy nên bọn tớ khá dễ tính, chỉ là hơi kém sành. Nếu sau này nhỡ chúng mình có va phải nhau rộn ràng thì cậu cũng cứ yên tâm mà tung hoành trong bếp, tớ tốt bụng và cũng không hà tiện lời khen. Chỉ lưu ý nhỏ, nếu lần sau tớ được mời cậu ăn tại Bách Khoa hy vọng cậu ăn hết suất, ít nhất là thức ăn.

*
2. Nhậu
Bách Khoa có bao nhiêu quán cơm thì có bằng từng đấy quán nhậu. Nhậu ở Bách Khoa tất nhiên cũng rất rẻ, phổ biến là rượu ốc. Sinh viên nghèo nhưng quán nhậu luôn đắt hàng. Thiếu tiền, có thể nợ không sao. Nếu cậu đến chơi, tớ có thể mời cậu chè (đủ 3 miền), bánh xèo, phở cuốn, quẩy nóng, kem… có cả hoa quả dầm, một vài quán café ngay gần.
Vậy nên cậu đừng bất ngờ nếu biết tớ ngồi hàng giờ search địa chỉ quán ăn Hà Nội, cũng đừng ngạc nhiên nếu tớ chưa từng nếm Pizza, Spaghetti, hay đơn giản là bánh tôm. Chỗ quán đặc sản Hà Nội, tớ chưa đi quán nào, vẫn để đấy…

*
3. Mặc
Sinh viên Bách Khoa phần lớn từ quê lên, quê ruộng đất chứ không phải quê ruộng thùng xốp đâu. Thời trang Bách Khoa nó khá là quê lai tỉnh, mẫu mã đa dạng từ hàng thùng Đồng Xuân, hàng nhái Kim Liên cho đến hàng si đa của thằng cùng phòng. Đôi khi được điểm xuyết bằng Logo bự của nhân nào đó. Tóc tớ dù dài hay ngắn đều dùng tay cào hết. Người ta chẳng quan tâm lắm đến thời trang thời thượng, mà thời trang quá cũng dễ bị ăn gạch vì thiếu… đàn ông.
Thế nên cậu đừng giận nếu tớ chẳng nhận ra mái tóc cậu mới sửa, hay cậu béo lên một tý. Cũng đừng buồn nếu tớ không bóng bẩy như mấy thanh niên trường cậu.
*
4. Học

Bổn phận của sinh viên đến trường là đi học, sự học Bách Khoa thì lại càng gian khổ. Ngày thường, các giảng đường trống la liệt sinh viên tự học, mệt thì gục tại chỗ, đói có bánh mì bên cạnh, hết mệt hết đói lại cắm mặt vào sách. Vào mùa thi, sinh viên xếp hàng trước cửa thư viện dài hơn chục mét, chiến đấu để giành từng cái ghế. Kém may mắn không có ghế thì cả ngày bạn sẽ lang thang khắp các giảng đường, nếu vào ngày nghỉ giảng đường đóng cửa thì bậc cầu thang lại thành bàn học. Hết mùa thi là đến mùa thi lại, việc học lại ở Bách Khoa khá bình thường – việc thi lại còn bình thường hơn nữa. Có những môn học lại 5, 6 lần mới qua. Vậy nên nếu có xem bảng điểm của tớ thì cũng đừng thất vọng, tớ có muốn thế đâu.
Giáo trình nặng, sinh viên thì ham chơi, truyền thống anh hùng điếc không sợ súng. Nên mỗi mùa thi, mỗi lần nộp đồ án, bài tập lớn thì lại xuyên vài cái đêm để hoàn thành cũng bình thường. Thói quen thức khuya của tớ cũng bắt đầu từ đấy. Đừng lo lắng, tớ quen rồi, không sao đâu.
Ngoài kiến thức chuyên môn, Bách Khoa còn phụ đạo thêm cho sinh viên môn “chém gió”. Mà để át được các bạn đồng môn – vốn toàn cao thủ – thì ngoài kiến thức uyên thâm, diễn đạt hùng hồn còn phải cần sự trợ giúp của tiếng Đan Mạch. Môi trường khắc nghiệt ăn vào vô thức, tai nạn nghề nghiệp dễ xảy ra khi cao hứng đi cùng bạn gái. Sinh viên kỹ thuật gà mờ, giả vờ nguy hiểm chút cho đỡ tủi thân, đôi khi lại bị hiểu nhầm thành thật. Thế mới đau!

*
5. Chơi
Cái sự chơi bời vốn đã là cả một nghệ thuật, mà đặc biệt nếu bạn nghèo thì nghệ thuật đấy lại càng phải tinh tế. Nghệ thuật chơi bời ở Bách Khoa khá là tinh văn tế.
Ngoài hoạt động thể thao: bóng, bơi, thể hình, võ thuật, điền kinh truyền thống vốn được đông sinh viên to, đen, hôi tham dự. Bách Khoa còn nổi tiếng với thể thao điện tử, gọi thô là Game. Hai tuyến phố với cả trăm quán Game lớn nhỏ phục vụ 24h/7 ngày. Dịch vụ đầy đủ: ăn, nghỉ, vệ sinh tại chỗ biến Bách Khoa thành khu Game lớn nhất Hà Nội với cả ngàn lượt vận động viên đến luyện tay và mắt mỗi ngày. Nếu bạn hứng thú với môn xác suất và những con số, hơn chục điểm ghi lô sẵn sàng. Yêu công nghệ, thích iPhone, Vertu, iPod… Lê Thanh Nghị cung cấp đầy đủ mẫu mã sản nhập khẩu từ Tân Thanh về, hay đơn giản chỉ muốn xem 1 bộ phim, cài 1 software, trung tâm đĩa lậu Lê Thanh Nghị cũng sẵn sàng. Thiếu tiền – có hiệu cầm đồ: cầm từ ram máy tính, thẻ sinh viên, đến xe đạp. Nhậu, tất nhiên đã có hệ thống Nhậu Bách Khoa. Ai học cứ học mà ai chơi cứ chơi, nếu vác sách ra chỗ chơi cũng chả ai cấm. Vấn đề giá cả: 4k/1h máy lạnh – cáp quang – cấu hình khủng, 15k/DVD, 6k/bánh mì trứng, 8k/bát cháo lòng…
Cậu đừng cười tớ trẻ con nếu thấy tớ vẫn ngồi hò hét game với lũ bạn, Bách Khoa chẳng dạy tớ khiêu vũ, chẳng chỉ quán KFC hay cách hát karaoke. Tớ không biết những bộ phim Hàn Quốc đang hot, hay G-Dragon là cái gì, sẽ chẳng cưỡi nổi SH hay mặc đồ D&G, dẫn cậu vào rạp còn chẳng biết phòng số 1 nó trên hay dưới. Tớ tệ nhỉ?

*
6. Đạo
Không ai bàn đạo Khổng Tử, đạo Nho, đạo Lão ở đây cả. Môi trường Bách Khoa rèn giũa cho mỗi sinh viên khả năng quét lướt để nắm bắt và ghi lại tình hình rất nhanh, nhờ đó có thể dễ dàng “biến cái của người khác thành cái của mình”.
Cái sự “Đạo” có nhiều kiểu, nhiều hình thức, tinh vi, phức tạp biến hóa khôn lường.
Hình thức khác là Copy paste báo cáo của người khác thế là có báo cáo để nộp. Có lần chấm bài hộ cho cô giáo mà thấy các em ấy copy paste còn không thèm chỉnh font nữa. Giống nhau như đúc.
Lãng mạn hơn là những màn đạo thơ tình để đem đi “cưa”.
Còn có những cao thủ có ánh mắt sắc bén, khả năng quan sát thành thần có thể biến bài thi của bạn ngồi bàn trước thành bài thi của mình mà giám thị không thể phát hiện ra. Rất đáng ngưỡng mộ.

*
7. Yêu
Bách Khoa cái gì cũng rẻ, riêng tình yêu là đắt. Chẳng thế mà lang thang trên forum trường, cái hội to và ầm ĩ nhất là hội độc thân. Nếu mà ra trường chẳng có nổi mảnh tình vắt vai thì cũng là sự thường.
Sự yêu của trai Bách Khoa nó cũng lắm gian truân. Chém gió mạnh thế mà đứng trước đối tượng thì ngậm hột tăm. Có đồng chí thương người ta quá ngày nào cũng bám theo, người ta tưởng biến thái gọi bạn dập cho 1 trận. Lại có đồng chí thu hết can đảm, bộc bạch 1 hồi rồi quay về ô số 1 với trái tim rỉ máu. Có tập đoàn anh em đi đánh bắt xa bờ, cá đâu chẳng thấy chỉ thấy tai tiếng cho bọn còn lại. Ngân Hàng thông báo cứ tan tầm là cả đại đội Bách Khoa uống chè xít ở cổng trường, FTU kêu các bạn nữ bên họ bị theo đuôi dữ quá, một số bạn gái HANU đang cố gắng nhổ si…
Bọn tớ chẳng biết làm cao, yêu thì bảo là yêu, thích thì hô là thích.Chẳng biết đong em này, tán em kia đề phòng hụt. Người ta thích mình rồi vẫn ba ngơ chẳng tỏ. Được cái thằng nào có người yêu, anh em ủng hộ hết mình. Cả phòng thằng bạn tớ từng ngồi canh một nồi cháo mà một thằng trong số đấy nấu tẩm bổ cho người yêu.
Bách Khoa là trường đại học rộng lớn nhất nội thành, qua 55 năm phát triển từ bãi tha ma xưa giờ đã là Phường Bách Khoa với ít nhất 4 tuyến phố, chung cư, tập thể, khu dân cư… hình thành nên 1 khu vực khá rộng với văn hóa có phần bầy đàn, cục bộ địa phương mà cậu từng gọi là “kiêu”.
Có thể tớ đi học được sự chu cấp tương đối đầy đủ của gia đình, có thể gánh nặng tiền bạc không đè nặng lên vai tớ như 1 số bạn, thậm chí 1 bộ phận trong chúng tớ còn khá giàu là đằng khác. Năm năm học, cái chất Bách Khoa ngấm vào người thì ai cũng như ai. Bách Khoa có những ông thầy vừa bựa vừa ngông mà cực tài giỏi, có mấy mụ đanh đá ở phòng đào tạo, có những cô sinh viên không biết phấn son cứ cắm mặt vào học, có hội thanh niên cơm ăn chẳng no ngồi bàn kinh tế thế giới, có loạt xe đạp vứt ở đường không ai tha, có những bông hoa chẳng dám gửi, có những tình yêu chôn chặt trong lòng.
Tớ là sinh viên Bách Khoa.

Comments

Popular posts from this blog

Những vần thơ hay về Bách Khoa

Có một ngôi trường đã hơn 60 năm tuổi, sinh viên đa phần là con trai ngành kỹ thuật, tưởng chừng như sẽ toàn những tâm hồn khô khan. Thế mà lạ thay, luôn có những vần thơ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứa đựng trong đó là đầy tâm tư của những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi.

Sự tích Chim Anh Vũ và Củ Sắn Lùi

Tình hình là nhiều bạn thắc mắc tại sao gọi là "Chim Anh Vũ" và "Củ Sắn Lùi", cho nên mình đành phải thuật lại cho các bạn sự tích của hai đồng c hí này.

Chuyện Bán Hàng: Niềm tin của người lạ

Thời sinh viên, tôi có làm một vài nghề, mục đích thì kiếm tiền là phụ, chủ yếu để cho mình "khôn hơn". Một trong số đó, không thể không nhắc đến Bán hàng, nghĩa là tôi tự nhập hàng về và bán lẻ. Thời năm 2016, 2017, nếu ai còn nhớ thì sẽ biết đến cái micro Karaoke hot thời đó. Nó vừa là mic, vừa là loa, chỉ cần kết nối Bluetooth với điện thoại và người dùng tha hồ hát. 1. Vị khách đầu tiên mua của tôi 2 chiếc mic, mỗi tội gọi điện đặt mua đúng lúc tôi đang về quê. Khách hỏi ship ngay được không, thế là tôi lại lóc cóc gọi điện nhờ thằng bạn cùng phòng ship hộ, với hoa hồng chia cho nó là 30.000. Nếu chuyện mua bán ổn thoả ở đó thì chẳng có câu chuyện này để kể. Vấn đề là đơn hàng đầu tiên của tôi thiếu mất sợi dây sạc cho 1 trong 2 chiếc mic, khách gọi thắc mắc. Thế nên tôi hứa hôm sau ra Hà Nội sẽ mang bổ sung. Lần này, tôi tự đi sang, mang theo cả 2 hộp mic mới, đề phòng khách có không ưng ý cái cũ thì đổi cho ngay. Đến nơi, gặp khách đang ngồi trà đá với cậu con trai ở m