Skip to main content

Vua tàu thủy Nguyễn Văn Mạnh Hùng cùng những chiếc tàu đồ chơi

Trong ngôi nhà 5 tầng khang trang, anh Hùng say sưa làm những chiếc tàu thủy nhỏ bằng sắt. Đây là hộ gia đình duy nhất còn sót lại của làng nghề làm đồ chơi trung thu Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội).

Làng Khương Hạ, quận Thanh Xuân (Hà Nội) nổi tiếng với nghề sản xuất tàu thủy - loại đồ chơi mà xưa kia mỗi dịp trung thu đến các em nhỏ rất ưa thích. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây chỉ còn một hộ gia đình duy trì sản xuất là anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng (47 tuổi).




Tàu thủy làm bằng sắt, chạy bằng dầu hỏa xưa kia từng được nhiều trẻ em yêu thích.




Anh cho biết, trước đây 8 anh em đều làm nghề này, sau đó mọi người đều bỏ nghề vì nhiều lý do khác nhau. “Nhưng nguyên nhân chính vẫn là không sống được, không cạnh tranh nổi với thị trường đồ chơi Trung Quốc”, anh Hùng nói.

Hiện nay, thị trường đồ chơi xuất hiện nhiều loại hiện đại, thu hút trẻ em, đặc biệt là hàng Trung Quốc, vừa rẻ vừa bắt mắt. Chiếc tàu thủy chạy bằng dầu hỏa với bánh lái chân vịt chạy trong chậu nước, hồ, ao làng ngày càng bị lãng quên. Hàng bán ế dần, nhiều nhà không cầm cự được, bỏ dần sản xuất. Trong làng truyền thống Khương Hạ, người thì bán đất đi nơi khác ở, người thì chuyển sang nghề khác để đảm bảo cuộc sống.

“Tôi trụ lại được là vì lòng yêu nghề. Nhiều khi phải chấp nhận sống chết vì nghề mới có được thành quả này”, anh Hùng nói. Căn nhà 5 tầng khang trang, rộng 100 m2, tầng 1 dùng làm nơi hoàn thiện công đoạn cuối cùng như sơn và trang trí màu sắc cho sản phẩm, các tầng trên vừa ở vừa làm kho chứa hàng chuẩn bị xuất đi các nơi. Công đoạn gò hàn, anh không làm tại nhà mà đặt cơ sở trên phố Hàng Thiếc (Hà Nội).

Tàu thủy của anh có 2 kích cỡ khác nhau, giá bán 60.000 đồng và 200.000 đồng. “Đồ chơi này ngày xưa nhà nào có tiền mới chơi được, còn bây giờ giá như vậy vẫn là rẻ. Chi phí cho nguyên vật liệu đắt, tôi bán giá như vậy chẳng lãi là bao đâu”, anh tâm sự.



Người cuối cùng còn sót lại vẫn đang kiên quyết bám trụ với nghề.


Tàu thủy Khương Hạ chủ yếu sử dụng dầu hỏa để chạy trên mặt nước, độ dài chỉ bằng nửa hoặc một gang tay người lớn. Cũng có chiếc chạy bằng pin do nhu cầu kích cỡ hoặc người chơi đặt hàng. Chiếc to nhất dài 1 mét anh bày giữa nhà có giá tới 7 triệu đồng. “Loại này chạy bằng pin, cứ làm để đấy, ai thích mua thì bán”, anh Hùng nói.

Xung quanh nhà, thỉnh thoảng có mấy đứa trẻ tò mò sang ngó nghiêng xem vợ chồng anh làm. Hứng chí, anh liền mang một chiếc mới làm kèm theo một chậu nước to ra cho chạy thử và để lũ trẻ ngồi chơi.

Từ 20/8 âm lịch năm trước anh đã phải tiến hành làm việc cho mùa trung thu năm sau. Thời điểm mùa vụ, trung bình một ngày anh hoàn thành được khoảng 6 đến 7 chiếc. Nguyên liệu làm tàu thủy anh Hùng sử dụng từ vỏ hộp sữa, sắt tây phế phẩm và tất cả đều được làm thủ công bằng tay.

Nhiều người tưởng rằng món đồ chơi này ngày nay chỉ có ở nông thôn mới dùng nhưng ngược lại, thị trường tiêu thụ chính của anh là thành phố. Hiện ngoài Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng là những nơi bán nhiều tàu thuỷ do anh sản xuất nhất thì các điểm bán đồ lưu niệm cho du khách nước ngoài cũng tìm tới anh đặt hàng. Những năm gần đây, mỗi năm anh đều sản xuất và bán hết khoảng 1.500 chiếc. Tàu của anh không bán ở phố Hàng Mã như các đồ chơi trung thu khác mà được bán ở phố Hàng Thiếc hay những cửa hàng lưu niệm giữa phố cổ.

Hoàng Hà - Vnexpress.net

Comments

Popular posts from this blog

Những vần thơ hay về Bách Khoa

Có một ngôi trường đã hơn 60 năm tuổi, sinh viên đa phần là con trai ngành kỹ thuật, tưởng chừng như sẽ toàn những tâm hồn khô khan. Thế mà lạ thay, luôn có những vần thơ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứa đựng trong đó là đầy tâm tư của những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi.

Sự tích Chim Anh Vũ và Củ Sắn Lùi

Tình hình là nhiều bạn thắc mắc tại sao gọi là "Chim Anh Vũ" và "Củ Sắn Lùi", cho nên mình đành phải thuật lại cho các bạn sự tích của hai đồng c hí này.

Chuyện Bán Hàng: Niềm tin của người lạ

Thời sinh viên, tôi có làm một vài nghề, mục đích thì kiếm tiền là phụ, chủ yếu để cho mình "khôn hơn". Một trong số đó, không thể không nhắc đến Bán hàng, nghĩa là tôi tự nhập hàng về và bán lẻ. Thời năm 2016, 2017, nếu ai còn nhớ thì sẽ biết đến cái micro Karaoke hot thời đó. Nó vừa là mic, vừa là loa, chỉ cần kết nối Bluetooth với điện thoại và người dùng tha hồ hát. 1. Vị khách đầu tiên mua của tôi 2 chiếc mic, mỗi tội gọi điện đặt mua đúng lúc tôi đang về quê. Khách hỏi ship ngay được không, thế là tôi lại lóc cóc gọi điện nhờ thằng bạn cùng phòng ship hộ, với hoa hồng chia cho nó là 30.000. Nếu chuyện mua bán ổn thoả ở đó thì chẳng có câu chuyện này để kể. Vấn đề là đơn hàng đầu tiên của tôi thiếu mất sợi dây sạc cho 1 trong 2 chiếc mic, khách gọi thắc mắc. Thế nên tôi hứa hôm sau ra Hà Nội sẽ mang bổ sung. Lần này, tôi tự đi sang, mang theo cả 2 hộp mic mới, đề phòng khách có không ưng ý cái cũ thì đổi cho ngay. Đến nơi, gặp khách đang ngồi trà đá với cậu con trai ở m